in

Đánh giá game Cat Quest II

Cat Quest II phần chơi thứ hai trong series Cat Quest. Trò chơi vẫn tiếp tục giữ lại những nét thú vị của người tiền nhiệm, đồng thời bổ sung một số cơ chế gameplay mới dựa trên công thức cũ đã làm nên thành công của phần chơi đầu tiên.

Ngoài một số tinh chỉnh nhỏ cùng với thiết kế hướng đến trải nghiệm co-op hai người chơi, lối chơi cơ bản của Cat Quest II không có nhiều khác biệt với phần trước. Bản đồ tuy nhìn vẫn thế, nhưng kỳ thực rộng hơn gấp đôi do không còn gói gọn trong vương quốc Felingard nữa mà giờ đây còn có cả Lupus Empire. Nếu bạn từng chơi phần đầu của series chắc sẽ nhớ cái tên này từng được nhắc đến. Thay cho việc đọc bảng tin trước đây, hệ thống nhiệm vụ chuyển sang tương tác trực tiếp với NPC có dấu chấm cảm trên đầu. Muốn hủy nhiệm vụ, người chơi phải tìm đến các Book Keeper có hình quyển sách nằm rải rác trong các khu vực trên bản đồ.

Nhìn chung, Cat Quest II không thay đổi nhiều so với người tiền nhiệm mà chỉ tinh chỉnh lại tốt hơn những gì mà phần đầu của series đã làm khá tốt. Mỗi thứ đều có điều chỉnh nhỏ để mang đến cảm giác mới mẻ và có chiều sâu hơn, nhưng chỉ một chút thôi. Đơn cử như hệ thống nâng cấp vũ khí ngoài việc thu thập vũ khí trùng để nâng cấp như phần đầu, nay người chơi có thể dùng tiền vàng kiếm được để nâng cấp vũ khí tại nhà của thợ rèn Kid Cat và Hotto Doggo. Thế nhưng, dù các yếu tố chiến đấu quen thuộc cũ không có nhiều thay đổi, đáng chú ý nhất là hệ thống chiến đấu với hai nhân vật cùng “tham chiến. Chỉ có mỗi nhạc nền là khá quen thuộc nếu bạn đã từng trải nghiệm Cat Quest trước đây.

Ngay từ đầu trải nghiệm, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra Cat Quest II được thiết kế dành cho trải nghiệm co-op hai người. Đây cũng là điểm nhấn đáng chú ý của phần chơi mới. Nhân vật của người chơi là cặp đôi mèo và chó, luôn song hành cùng nhau mọi lúc mọi nơi. Lý do thì khi trải nghiệm game bạn sẽ hiểu, hé lộ trước mất hay. Yếu tố bổ sung này tuy nhỏ, nhưng lại làm thay đổi lớn trong trải nghiệm game. Mỗi nhân vật sẽ do một người chơi điều khiển khi co-op, còn solo thì bạn chỉ điều khiển một trong hai nhân vật mèo và chó ở một thời điểm. Người chơi có thể chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật bất kỳ lúc nào để tận dụng lợi thế chiến đấu, chẳng hạn như thiết lập cho mỗi nhân vật một phong cách chiến đấu khác nhau.

Nhân vật còn lại sẽ do AI điều khiển. Đáng chú ý, người chơi có thể thiết lập trang bị và nút bấm tắt sử dụng phép thuật riêng lẻ cho mỗi nhân vật. Tuy nhiên, bạn không thể trang bị phép thuật trùng nên phải tính toán cẩn thận khi thiết lập. Yếu tố này không những mang tới sự mới mẻ trong trải nghiệm quen thuộc cũ từ Cat Quest, mà còn được “hậu thuẫn” với một loạt vũ khí tầm xa mới có khả năng bắn ra các quả cầu thuộc tính. Bên cạnh các loại vũ khí cận chiến quen thuộc trước đây, loại vũ khí mới này cũng là điểm nhấn trong trải nghiệm game. Thế nhưng, vũ khí tầm xa sẽ giảm máu của nhân vật chỉ còn một nửa như một sự đánh đổi cần thiết tạo cân bằng cho trải nghiệm game.

Ngược lại, vũ khí cận chiến được chia thành hai loại là một tay và hai tay, mang ưu và khuyết điểm khác nhau, phù hợp với từng tình huống chiến đấu cũng như lối chơi đặc trưng của mỗi người. Vũ khí một tay có khả năng tấn công linh hoạt nhưng gây sát thương không cao, trong khi vũ khí hai tay có tốc độ tấn công chậm nhưng dồn sát thương nhiều. Điều đáng phàn nàn là hệ thống trang bị thiết kế thiếu trực quan. Nếu tôi nhớ không lầm, nó cũng là vấn đề từng gây nhiều bực mình khi trải nghiệm Cat Quest trước đây. Chuyển đổi qua lại giữa các loại trang bị không thuận tiện, dễ bị lẫn lộn nhất là những ai đã quen với thiết lập quen thuộc sử dụng các nút vai L và R trên tay cầm cho cùng mục đích từ các JRPG hoặc game nhập vai khác.

Chiến đấu trong Cat Quest II vẫn mang đến cảm giác quen thuộc. Tuy nhiên, tùy vào trình độ mỗi người chơi mà bạn sẽ thấy nó đơn giản hay phức tạp. Trải nghiệm chiến đấu chủ yếu xoay quanh sử dụng nút tấn công và dàn nút L và R tùy từng mẫu tay cầm để triển khai phép thuật, với điều kiện là bạn đã thiết lập phím tắt cho chúng. Trừ khi muốn game over sớm, phần lớn trải nghiệm chiến đấu đòi hỏi kỹ năng lăn tròn né tránh rồi tấn công, thường được trong giới gọi là đánh du kích. Với những ai đã “thui rèn” kỹ năng chiến đấu thông qua những cái tên đình đám như Bloodborne hay Sekiro: Shadows Die Twice, trải nghiệm chiến đấu có lẽ không quá thử thách. Tuy nhiên, người chơi casual có thể gặp chút khó khăn nhất là trong những trận đánh boss.

So với phần chơi trước, bản đồ trong Cat Quest II rộng gấp đôi và những hang động khám phá tiếp tục được minh bạch thông tin, phòng hờ trường hợp người chơi “đánh liều” chui vào những khu vực cấp cao. Hệ thống nhiệm vụ cũng vậy, nhiệm vụ chính hay phụ luôn cho bạn biết rõ độ khó cao hay thấp trước khi quyết định thực hiện. Thế nhưng, phần chơi mới vẫn mắc phải vấn đề cũ đó là hơi nặng tính cày cuốc. Nếu bạn chỉ chăm chăm làm nhiệm vụ chính mà bỏ qua hoàn toàn các nhiệm vụ phụ, nhân vật chắc chắn sẽ không đủ cấp độ để đánh quái và tự biến trải nghiệm trở nên khó khăn hơn cần thiết. Đơn cử như tôi khi lần đầu sang Lupus Empire chỉ mới đạt cấp 18, trong khi quái ở đây thấp nhất đã là 25 nên đánh khá lâu và mệt!

Chưa kể, mặc dù chỉ cần đạt cấp độ khoảng 75-80 là đủ để hoàn thành phần game, nhưng trùm cuối sẽ nhẹ nhàng hơn nếu bạn chịu khó “cày cuốc” nhân vật lên tối đa. Bởi lẽ giống như phần chơi đầu tiên, Cat Quest II cũng kèm theo nhiều hang động đòi hỏi cấp cao nhất để người chơi khám phá và săn trang bị ngon. Mặt khác, phong cách đồ họa “cu-te-phô-mai-que” của trò chơi rất cuốn hút những ai thích thứ gì dễ thương như tôi. Thế nên việc kéo dài trải nghiệm một chút cũng không gây cảm xúc tiêu cực như phần lớn những tựa game cùng thể loại khác. Dù vậy, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là AI khi chơi solo rất tệ, không khác gì gánh nặng hơn là một đồng đội đáng tin cậy, khiến tôi thường xuyên ức chế vì hành động “ngáo” của nó.

AI rất thích chiến đấu kiểu “đầu gấu” và thường không biết né là gì. Vậy nên chuyện “gục ngã nơi chiến trường” xảy ra rất thường xuyên, bỏ lại người chơi một mình đơn độc chiến đấu. Với những trận đánh “đi dạo ngoài phố” còn đỡ, chứ khi vào đánh boss thì ức chế vô cùng, nhất là thời gian đánh boss thường diễn ra khá dài, đòi hỏi khả năng vừa đánh vừa né đòn tấn công liên tục. Cay đắng nhất là bạn có thể hồi sinh AI khi đứng một khoảng thời gian nhất định trong vòng hồi sinh, nhưng sự vô dụng của “tội đồ AI” khiến việc đó càng mang đến rủi ro gây hại đến nhân vật do bạn điều khiển hơn là thật sự hữu ích. Nếu có thể, khuyến cáo bạn nên chơi co-op hơn là solo để tránh chuốc bực vào người.

Sau cuối, Cat Quest II mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai thú vị với đồ họa dễ thương và thế giới game độc đáo. Mặc dù trải nghiệm game không ít thì nhiều mang cảm giác hao hao phần chơi trước, nhưng yếu tố gameplay hấp dẫn, nội dung hài hước và rất nhiều kiểu chơi chữ tiếng Anh tạo nên một trải nghiệm game vô cùng hào hứng và hấp dẫn. Không may, đây cũng có thể là điểm trừ với những ai không có khả năng đọc hiểu tiếng Anh tốt để “thẩm thấu” những từ chơi chữ thật sự có ý nghĩa gì. Nếu yêu thích tựa game gốc hay thậm chí lần đầu đến với series Cat Quest, đây vẫn là một cái tên mà bạn không muốn bỏ lỡ trải nghiệm, nhất là khi có bạn để chơi cùng. Game chống chỉ định với những ai không thích “hoàng thượng” nhé.

Cat Quest II hiện có cho PC (Windows) và iOS. Phiên bản PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch sẽ sớm được phát hành trong thời gian tới.

Cat Quest II
Cat Quest II
Developer: The Gentlebros
Price: 14,99 €

What do you think?

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments