Menu
in

Đánh giá game Outbreak: Endless Nightmares

Outbreak: Endless Nightmares là game kinh dị sinh tồn hỗ trợ hai người chơi co-op với thiết kế ‘old-school’, mang tính thử nghiệm của nhà phát triển solo Dead Drop Studios khi kết hợp yếu tố roguelike trong xây dựng cơ chế gameplay. Phần chơi này tiếp nối các sự kiện trong tựa game trước đó, đưa người chơi đến với bệnh viện Arzt Memorial đóng vai trò như khu vực trung tâm kết nối toàn bộ trải nghiệm. Đó là chưa kể dàn bóng ma bệnh viện khi thì cà khịa, lúc lại mở lời gợi ý hỗ trợ người chơi trong cuộc sinh tồn.

Dành cho những bạn nào không biết, Outbreak là series khá non trẻ của nhà phát triển solo Dead Drop Studios, với mục tiêu tái hiện cảm giác trải nghiệm kinh dị sinh tồn từ những tựa game Resident Evil kinh điển ngày xưa. Mỗi phần chơi gần như là thử nghiệm mới của nhà phát triển kể từ phần chơi đầu tiên ra mắt vào năm 2017. Outbreak: Endless Nightmares là phần chơi thứ sáu trong series này, tiếp nối câu chuyện kể và các sự kiện từ Outbreak: The Nightmare Chronicles mà bạn có thể đọc lại trong mục “kể chuyện bằng chữ” Story & Lore.

Series Outbreak lấy bối cảnh xoay quanh đại dịch biến con người thành zombie. Mỗi phần chơi đưa bạn nhập vai các nhân vật lâm vào tình huống và bối cảnh khác nhau, buộc phải cầm vũ khí chiến đấu với lũ xác sống cho mục đích sinh tồn. Câu chuyện kể được thuật lại dưới góc nhìn của mỗi nhân vật, đưa người chơi khám phá bí ẩn đằng sau dịch bệnh nguy hiểm nói trên. Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy cốt truyện hao hao series kinh dị sinh tồn kinh điển Resident Evil, vì đó cũng là nguồn cảm hứng xây dựng nên loạt game Outbreak.

Vòng lặp gameplay của Outbreak: Endless Nightmares như bạn có thể hình dung là khám phá, thu thập các vật phẩm thiết yếu và tiêu diệt kẻ thù để sinh tồn. Người chơi có thể thu thập rất đa dạng các loại vũ khí khác nhau cũng như thảo dược chữa thương. Vấn đề ở chỗ, thay vì mở rộng hành trang một chút như Daymare 1998, khả năng chứa đồ trong trò chơi lại rất hạn chế như những tựa game Resident Evil ngày xưa. Thiết kế này buộc người chơi phải thường xuyên thu vén hành trang trong suốt quá trình trải nghiệm.

Outbreak: Endless Nightmares chia trải nghiệm thành những khu vực gọi là Anomaly. Mỗi Anomaly gồm nhiều căn phòng với môi trường, kẻ thù và cạm bẫy được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán. Dù vậy, bạn không tránh khỏi việc thường xuyên bắt gặp những căn phòng giống hệt lần trải nghiệm trước đó. Chỉ có kẻ thù và mọi thứ khác thay đổi. Điều này giúp trải nghiệm game vẫn giữ được sự bất ngờ bất kể bạn chơi lại bao nhiêu lần. Hỗ trợ cho bạn còn có ba góc nhìn camera khác nhau và đặc biệt là “góc nhìn chiến thuật” Tactical.

Về cơ bản, Tactical giống như tính năng ăn gian được nhà phát triển xây dựng sẵn trong trải nghiệm game. Góc nhìn này giúp người chơi nhìn thấy trước mọi thứ từ kẻ thù cho đến cạm bẫy trong mỗi Anomaly mà không cần di chuyển, góp phần giúp hạn chế những tình huống khiến bạn giật mình hoặc mắc sai sót do không kịp xử lý trong các phần chơi Outbreak trước đây. Nhiệm vụ của bạn chỉ là tiêu diệt tất cả zombie trong Anomaly, tận dụng toàn bộ những trang bị và vật phẩm hỗ trợ mà người chơi thu thập được từ trước.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là Conductor’s Coin. Bạn thu thập được những đồng xu này mỗi khi hoàn thành Anomaly, dùng để mở khu vực có thùng chứa vật phẩm hoặc các Anomaly mới với thử thách khắc nghiệt hơn. Đáng nói, Outbreak: Endless Nightmares có nhiều thiết lập độ khó, từ Easy Mode đến Ironman Mode hay thậm chí Last Hope Mode dành cho người chơi hệ hardcore siêu cấp. Đơn cử như Ironman xóa file save khi bạn ‘game over’, trong khi Last Hope xáo trộn hành trang và xóa vật phẩm trong rương cất đồ khi vào Anomaly.

Thế nhưng, ngay cả Easy Mode cũng đủ khiến bạn ức chế vì độ khó quá đáng của nó, bất chấp việc người chơi có thể dùng góc nhìn Tactical để xem trước bản đồ màn chơi. Lý do là vì Outbreak: Endless Nightmares tái xuất yếu tố độ bền. Sau số lượt bắn nhất định, vũ khí sẽ hỏng trong khi đạn dược rất hiếm thấy trong trải nghiệm. Bạn có thể dùng Repair Kit để sửa vũ khí, thậm chí “hóa kiếp” bất kỳ vũ khí nào kể cả vũ khí hỏng nói trên thành Repair Kit dùng “cứu hộ” cho những vũ khí khác. Thế nhưng, hậu quả không chỉ dừng ở đó.

Sau số lượt sửa chữa nhất định, vũ khí của bạn rơi vào tình trạng không thể sửa chữa và trở nên vô dụng hoàn toàn. Nói cách khác, người chơi không thể giữ mãi bất kỳ vũ khí “kỷ vật” nào mà bắt buộc phải thay đổi. Tuy nhiên, số lần có thể sửa chữa trước khi vũ khí “toang” cũng khá dồi dào nên bạn đừng quá lo lắng. Dù vậy ở góc độ người chơi, tôi nghĩ nhà phát triển đã quá tay khi thiết kế mức độ thử thách của Outbreak: Endless Nightmares quá cao, nếu không nói là mất cân bằng rất lớn về độ khó giữa các chế độ thiết lập.

Ngược lại, trò chơi sở hữu số lượng nhân vật điều khiển khá đông đảo. Mỗi nhân vật đều có ưu và khuyết điểm, phù hợp với lối chơi đa dạng của mỗi người nhờ vào các khả năng cá nhân thông qua thăng cấp nhân vật trong trải nghiệm chiến đấu. Tuy nhiên, đây cũng là điểm trừ nhỏ của Outbreak: Endless Nightmares vì đòi hỏi cày cuốc khá nhiều để vượt qua các Anomaly. Đáng chú ý, nhờ áp dụng công nghệ mo-cap mà chuyển động các nhân vật điều khiển trong phần chơi này nhìn có phần tự nhiên hơn so với những game Outbreak trước đây.

Ngay cả hiệu ứng ánh sáng và cháy nổ cũng có nhiều cải thiện, đặc biệt là trên các hệ console mới. Dù những hiệu ứng này chưa thể gọi là xuất sắc khiến bạn ấn tượng, nhưng so với Outbreak: Epidemic thì vẫn là sự cải thiện đáng chào đón khi xét ở khía cạnh sản phẩm game của nhà phát triển solo. Thế nhưng, vấn đề tái sử dụng asset thường xuyên trong các Anomaly vẫn tiếp tục là điểm trừ của Outbreak: Endless Nightmares. Đây không phải vấn đề mới nếu không nói là đặc trưng của các game Outbreak vì nhà phát triển lực bất tòng tâm.

Cũng giống như những phần chơi trước đó, Outbreak: Endless Nightmares cũng hỗ trợ chế độ chơi co-op local 2 người hoặc chơi online 2 người chia đôi màn hình. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi khá bực mình là khi co-op, người chơi chung không thể sử dụng nhân vật mà bạn đã cày sâu cuốc bẫm. Thay vào đó, chỉ số của nhân vật chỉ được lấy từ file save của chủ phòng. Thế nên, lời khuyên của tôi là khi hợp đồng tác chiến với nhau, hai người chơi nên có sự cân nhắc kỹ trước khi chọn chủ phòng để có trải nghiệm tốt nhất.

Một vấn đề mà tôi cũng không thể không nhắc tới là Outbreak: Endless Nightmares không tối ưu cho trải nghiệm ở chế độ handheld của Nintendo Switch. Menu nhìn lủng củng đã đành, mà cỡ chữ hiển thị trên giao diện game cũng rất nhỏ, đến mức tôi không thể đọc được chữ cũng như tương tác trong hành trang trên màn hình máy Switch. Dù người chơi có thể tạm khắc phục bằng tính năng phóng to hình ảnh có sẵn trên hệ máy của Nintendo, nhưng nếu bạn sở hữu Switch Lite vốn không thể xuất hình ra dock thì còn tệ hơn.

Ngoài ra, Outbreak: Endless Nightmares cũng có chút vấn đề với thiết lập điều khiển. Trò chơi có hai chế độ Modern Tank và Classic Tank. Trong đó, Modern Tank là cơ chế điều khiển hiện đại kéo cần analog đâu đi đó như… Resident Evil Village, còn Classic Tank thì giống những game Resident Evil kinh điển ngày xưa. Vấn đề ở chỗ, thiết lập Classic Tank không cho phép bạn sử dụng dàn nút d-pad giúp di chuyển thuận lợi hơn mà buộc người chơi phải điều khiển nhân vật bằng cần analog, để lại cho tôi không ít cảm giác ức chế.

Sau cuối, Outbreak: Endless Nightmares mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn đậm dấu ấn hoài cổ và nặng cảm giác hardcore hơn khi so với những phần chơi trước trong series. Thiết kế này khiến trò chơi khó tiếp cận hơn nhiều so với các game Outbreak cũ. Nếu bạn yêu cảm giác trải nghiệm những tựa game Resident Evil kinh điển, đây kỳ thực là cái tên rất đáng cân nhắc, nhưng nó chắc chắn không dành cho số đông vì thiết kế ‘old-school’ đậm tính thử thách và cày cuốc nhân vật.

Outbreak: Endless Nightmares hiện có cho PC (Windows, Linux), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.

Nguồn: Trải Nghiệm Số

Leave a Reply

Exit mobile version