Shakes on a Plane là game hai người chơi theo kiểu party hài hước và hỗn loạn rất phù hợp cho những dịp tụ tập “quần hùng” họp mặt đầu năm hay cuối năm. Không những vậy, tựa game của “tổ lái” Huu Games có đoạn chuyển cảnh mở màn rất “gắt”, khiến người chơi ngất ngây con gà tây trước khi kịp hình dung trải nghiệm game diễn ra như thế nào. Về cơ bản, ý tưởng gameplay xoay quanh công việc của tiếp viên hàng không phục vụ chu đáo những yêu cầu khắt khe của hành khách trên máy bay hay UFO. Thông qua trải nghiệm mới biết làm tiếp viên hàng không cực lắm ai ơi!
Shakes on a Plane sở hữu lối chơi mang nhiều nét tương đồng với Overcooked 2. Về cơ bản, nhiệm vụ của người chơi là giám sát yêu cầu của hành khách và tiến hành đáp ứng các nhu cầu đó nhanh nhất có thể trong thời gian chuyến bay diễn ra. Trải nghiệm cứ thế tiếp nối giữa nhiều tuyến bay khác nhau với độ khó tăng dần đến mức không tưởng, nhất là những ai có ý định chơi solo. Mô tả thì rất đơn giản, nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Một trong những vấn đề khó chịu nhất của game là giao diện và thiết lập nút bấm gây loạn cho người chơi solo.
Thay vì chỉ cần chọn một nhân vật, Shakes on a Plane buộc bạn phải chọn hai nhân vật trong trải nghiệm solo. Ban đầu tôi không biết nên cứ loay hoay mãi không biết làm sao vào game chỉ với một nhân vật điều khiển. Thử đủ kiểu vẫn không được trong khi thiết lập nút bấm chọn nhân vật thiếu trực quan cũng đủ khiến bạn khóc thét. Kỳ thực, dù là trải nghiệm solo hay co-op thì số nhân vật điều khiển tối thiểu luôn là 2. Nếu chơi solo, bạn có thể chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật, đẩy nhanh thời gian phục vụ hành khách chuyến bay trong những tình huống khác nhau.
Điều này cực kỳ quan trọng trong những đường bay về sau khi độ khó tăng cao đến mức hỗn loạn đầy ức chế trong trải nghiệm solo. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác Shakes on a Plane chủ yếu được thiết kế cho trải nghiệm co-op hơn. Trải nghiệm solo dường như chỉ được thêm vào sau quá trình phát triển để đáp ứng một nhóm người chơi hoặc những trường hợp cụ thể. Từ vị trí các nơi phục vụ đồ ăn thức uống cho khách, đến hàng loạt chướng ngại vật khác trong màn chơi đều thiết kế như dành cho trải nghiệm co-op và không được tối ưu cho trải nghiệm solo.
Nhận định này không quá rõ ràng ở vài màn chơi đầu mà chỉ hiện rõ trong những màn chơi về sau. Dễ nhận thấy là các khu vực phục vụ đồ ăn thức uống cho khách được xếp quá xa nhau. Trải nghiệm solo đòi hỏi bạn phải chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật để chạy marathon, rất dễ dẫn đến tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đầy nhầm lẫn. Không những vậy, các chướng ngại vật từ phục vụ theo yêu cầu của khách cũng trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều thao tác hơn. Có những vị khách không yêu cầu một mà nhiều món, buộc người chơi phải dùng đến khay phục vụ.
Đó là chưa kể hàng loạt những chướng ngại vật vô tình hay cố ý dễ khiến bạn tức điên. Một trong những tình huống khiến tôi “điên” nhất là khách bay chạy lung tung trên khoang hành khách, khiến việc di chuyển dễ va vào họ vô cùng ức chế. Mặc dù Shakes on a Plane cho phép bạn “bế” khách lên và “quẳng” họ vào nơi nào đó, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện khi nhân vật điều khiển không cầm gì trên tay. Không những vậy, thiết kế màn chơi còn có rất nhiều chướng ngại vật khác nhau, không dễ nhận ra từ góc nhìn top-down trong trải nghiệm game.
Đây cũng là điểm trừ trên phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm. Ở chế độ handheld, nhiều chướng ngại vật rất khó để nhận ra trên màn hình bé xíu. Nếu bạn chơi trên Switch Lite thậm chí còn tệ hơn. Một số chi tiết thể hiện trên giao diện game quá nhỏ, sử dụng kiểu chữ khó đọc cũng khá bực mình. Đơn cử như biểu tượng thể hiện nút bấm B trên tay cầm Joy-Con mà Shakes on a Plane sử dụng khiến tôi căng mắt đọc muốn tăng độ. Thậm chí, ban đầu người viết còn tưởng đấy là những hình ảnh trang trí chẳng liên quan gì đến gameplay chỉ vì chữ mô tả nhỏ quá.
Ngoài vấn đề chữ ra, phần lớn những vấn đề trải nghiệm game đều tốt hơn khi chơi co-op. Tuy nhiên, không gian di chuyển hẹp đôi khi cũng là trở ngại không nhỏ gây nên sự hỗn loạn nếu có nhiều người cùng chơi. Khi đó, Shakes on a Plane khá giống Overcooked ở khía cạnh gameplay. Những người chơi phải hợp tác với nhau trong các khâu phục vụ để công việc được thuận lợi và trôi chảy hơn. Tuy nhiên, so với những tựa game có cùng lối chơi như Tools Up! hay Moving Out, “đứa con tinh thần” của nhà phát triển Huu Games có phần thua kém hơn về mặt hình ảnh.
Đồ họa trong Shakes on a Plane không ấn tượng mà khá đơn giản, mang nhiều cảm giác như game di động và không có dấu ấn riêng. Góc camera hẹp từ trên nhìn xuống cũng là điểm trừ trong trải nghiệm game so với góc nhìn bao quát và thiết kế màn chơi rộng hơn của những cái tên kể trên. Chuyển động của nhân vật cũng không tự nhiên, nhưng bạn chỉ thấy trong khoảnh khắc kết thúc màn. Nếu dễ tính, bạn có thể xem đó như yếu tố gây hài. Một vấn đề nhỏ nhưng không thể không nhắc đến là màn chơi tái sử dụng asset cũ khá nhiều, thiếu đa dạng về tạo hình vật dụng và thiết kế.
Sau cuối, Shakes on a Plane mang đến một trải nghiệm game party khá vui nhộn và không kém phần hỗn loạn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là có vài thiết kế dễ gây rối cho người chơi, trong khi xây dựng màn chơi chưa được tối ưu tốt cho trải nghiệm solo. Dù vậy, nếu muốn tìm một tựa game để bạn có thể “hội tụ” cùng bạn bè trong những dịp gặp gỡ, đây là cái tên rất đáng cân nhắc.
Shakes on a Plane hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Nguồn: Trải Nghiệm Số